Thuật ngữ Anti-Design (Phản thiết kế)
Anti-Design - tạm dịch là “phản thiết kế” - một phong trào nghệ thuật nở rộ tại Ý vỏn vẹn trong vòng 14 năm, tính từ 1966. Người ta còn biết đến Anti-Design liên quan với những tên gọi khác như Thời kì Cấp tiến (Radical Period) của thiết kế và kiến trúc Ý hoặc thiết kế Memphis - lấy theo tên một công ty thiết kế được thành lập bởi Ettore Sottsass tại Milan từ năm 1981 đến năm 1987.
Ettore Sottsass (1917 - 2007)
Ettore Sottsass (1917 - 2007) là kiến trúc sư và nhà thiết kế người Ý. Ông là một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng thời kì Hậu Hiện đại trên đất Ý những năm cuối thế kỷ XX. Các thiết kế của ông bao gồm đồ nội thất, đồ trang sức, kính, đèn chiếu sáng và thiết bị văn phòng. Những tủ kệ thiết kế bởi Ettore Sottsass được làm từ ván gỗ ép, có hình thức đôi phần kì quặc và màu sắc nổi bật, thêm vào đó, sự ra đời của Memphis Group vào năm 1981 đã đưa Ettore Sottsass trở thành một phát ngôn viên chính của phong trào Anti-Design. Ngoài Sottsass, Anti-Design cần phải kể đến những cái tên như Gianfranco Frattini và Livio Castiglioni, Enzo Mari, Piero Gilardi, Paolo Lomazzi...
Thiết kế bởi Memphis Group (1981 - 1987) - sử dụng hình dạng hình học như các họa tiết chính
Từ trái qua phải: giá sách Malabar thiết kế bởi Ettore Sottsass (1982) - tủ tường Carlton bởi Sottsass (1981) - ghế sofa Dublin thiết kế
bởi Marco Zanini (1981) - đèn bàn Piccadilly thiết kế bởi Gerard Taylor (1982)
Chi tiết trên vải Memphis (1982)
Vậy Anti-Design “chống đối” lại điều gì? Đó là quan niệm về thiết kế tốt (good design), chủ nghĩa duy lí và hình thức công năng của Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism). Nếu như Chủ nghĩa Hiện đại hướng tới công năng sử dụng của thiết kế và tính bền vững của sản phẩm thì Anti-Design quan niệm rằng đồ vật chỉ là tạm thời, có thể nhanh chóng vứt bỏ và được thay thế bởi một cái gì đó mới hơn, nhiều chức năng hơn. Anti-Design tìm cách khai thác sức mạnh của thiết kế để tạo ra các đối tượng sản phẩm mang tính độc đáo, thậm chí là kì quặc. Thiết kế Anti-Design đơn thuần là đồ vật trang trí, đôi khi không cân xứng và luôn luôn dịch chuyển theo xu thế của xã hội. Chúng biến dạng về kích thước (một chiếc ghế khổng lồ có thể làm bạn trông bé tí), khám phá sự đa dạng phong phú của màu sắc, các yếu tố trang trí và vật liệu.
Mythuatms.com xin được tổng hợp lại những biểu hiện của phong cách thiết kế Anti-Design như sau:
- Thiết kế phải đặc biệt độc đáo nhưng không nhất thiết phải đẹp.
- Anti-Design nhấn mạnh sự khác biệt hơn là giá trị chức năng thuần túy của sản phẩm.
- Khai thác tiềm năng phong phú về màu sắc, yếu tố trang trí và vật liệu.
- Sản phẩm mang tính “tạm thời” và phải được thay thế khi xu hướng xã hội thay đổi.
Anti-Design được thành lập dựa trên niềm tin về tầm quan trọng của các giá trị xã hội và văn hóa ảnh hướng đến chức năng thẩm mĩ của đối tượng. Không thể phủ nhận, Anti-Design đã có ảnh hưởng đến văn hóa và thiết kế không chỉ ở nước Ý trong giai đoạn thập niên 80. Tuy nhiên, Anti-Design không phải là toàn bộ Hậu Hiện Đại (Postmodernism) tại Ý. Đây chỉ là phản ứng lại với làn sóng giải cấu trúc của Chủ nghĩa Hiện đại, vẫn luôn được coi là hoàn mỹ nhưng có phần hơi khô khan lúc bấy giờ.
Thiết kế của Warren Platner
Chiếc ghế sofa nổi tiếng mang tên Joe (1970) - đặt theo tên nhà thiết kế huyền thoại Joe Colombo của Ý - được thiết kế bởi Paolo Lomazzi. Chiếc ghế được phủ bằng polyrethane (PU hay còn được gọi là da tổng hợp) có hình thức trông giống như găng tay bắt bóng chày khổng lồ. Nó cho thấy rằng hình thức không cần phải được phát minh ra, chúng còn có thể được sử dụng lại.
Joe Sofa (1970) - Paolo Lomazzi
Ghế bành Sindbad (1981) - Vico Magistretti
Ghế bóng (Ball Chair) - Eero Aarnio
Ghế Sacco (1968) - Piero Gatti, Cesare Paolini, Franco Teodoro
Biểu hiện của Anti-Design trong những thiết kế đương đại ngày nay - Ghế vải bạt thiết kế
bởi studio thiết kế Thụy Sĩ BERNHARD | BURKARD