TIẾNG HÁT CON TÀU
Chế Lan Viên
I. VỀ TÁC GIẢ CLV
1. Giới thiệu chung
a) Trước CM
Khi CLV xuất hiện trên thi đàn với tập Điêu tàn người ta coi xự xuất hiện này như một niềm kinh dị (cách nói của Hoài Thanh)
Sở dĩ như thế bởi vì CLV đã dựng lên trong thơ ông một thế giới của cõi âm với đầy những sọ dừa, xương máu, yêu ma. Chúng ta bắt gặp rất nhiều những câu như:
Những cảnh ngàn sâu cây là ngọn
Muôn ma hời sờ soạng dắt nhau đi.
CLV coi việc trở về cõi âm như là sự phản kháng lại cõi dương. Ông còn có một thái độ phủ nhận thực tại:
"Hãy cho tôi một tinh cầu lạnh giá
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền đau khổ với buồn lo".
Hoặc:
"Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của trần gian'
Có lẽ bởi vì thế mà cùng với HMT, CLV đã trở thành chủ soái của trường phái thơ điên.
Tuy nói vậy song thơ CLV trước CM vẫn có yếu tố tích cực. Bằng sự phủ nhận thực tại CLV muốn bày tỏ một cách kín đáo lòng yêu nước của mình. Ông tự nhận mình là nhà thơ của giống dân hời mất nước. Và có lẽ cũng vì thế mà ông chọn bút danh họ Chế.
b) Sau CM
CLV bế tắc im lặng suốt mười mấy năm trời không viết được một câu thơ nào. Tuy nhiên chính thời gian đó ông đã làm một cuộc tự đổi thay. Và cho đến năm 1958 ông mới sáng tác trở lại với tập Ánh sáng và phù sa. Từ đó trở đi CLV viết rất đều. Các sáng tác tiêu biểu nhất là các tập Hoa ngày thường chim báo bão, Hoa trước lăng người.
CLV là một nhà thơ thiên về trí tuệ. Đọc thơ ông chúng ta luôn luôn gặp những câu có tính chất châm ngôn, triết lý - một thứ châm ngôn độc đáo xác thực, không xa lạ với mọi người. Có những điều rất thường cũng được CLV viết một cách sắc sảo và mang tính phát hiện:
"Diệt Mỹ là cao cả của tình yêu
Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất"
Hay là:
"Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con"
Cái hay trong thơ CLV là có rất nhiều câu nếu đứng tách riêng, nó vẫn có ý nghĩa độc lập thâm thúy của nó.
II. VỀ TÁC PHẨM
1. Đi tìm ý nghĩa tiêu đề
Lúc CLV viết bài thơ này, cả nước đang dấy lên phong trào khai hoang ở miền núi. Vì thế sẽ có rất nhiều người nghĩ rằng CLV viết bài thơ này theo đơn đặt hàng nhằm cổ vũ cho phong trào đó. Nhưng vốn là tác giả thiên về trí tuệ CLV không bao giờ bằng lòng với mục đích ấy. Ông muốn qua bài thơ này để nói lên những ý tưởng, những suy ngẫm hết sức sâu sắc của ông ấy về cuộc sống và NT. Tên bài thơ là “Tiếng hát con tàu” và hình tượng chủ đạo là con tàu lên Tây bắc. Nhưng đến tận lúc CLV viết bài thơ này, thậm chí đến tận bây giờ làm gì có con tàu nào lên Tây bắc. Như thế đã quá rõ ràng là hình tượng con tàu chỉ là hình tượng hư cấu để CLV gửi gấm vào đó cái khát vọng được lên đường. Đối với một người đã từng bế tắc, đã từng luẩn quẩn trong những triết lí siêu hình thì lên đường chính là 1 biện pháp nhằm giúp cho tác phẩm thoát khỏi cái tôi nhỏ hẹp để hòa nhập với cái ta chung của đất nước .
Hình tượng con tầu ngoài ý nghĩa về nhân sinh còn nói trên còn nói rõ những suy ngẫm sâu sắc của CLV về NT. Việc lên đường để thoát khỏi cái tôi cá nhân hòa nhập với cái ta chung còn là con đường tất yếu để CLV tìm lại cảm hứng NT đã mất. Ông biết rất rõ người nghệ sĩ chỉ có được sáng tạo NT khi rộng mở tâm hồn mình để đón nhận những âm vang của cuộc sống ngoài kia. Điều này đối với CLV hết sức thấm thía bởi ông đã từng nghĩ về nó tới mười mấy năm trời.
Như vậy có thể thấy rõ hình tượng con tàu trong thơ CLV vừa mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, vừa mang ý nghĩa nghệ thuật. Và như vậy thì Tiếng hát con tàu cũng có nghĩa là khúc hát nghệ thuật.
2. Bố cục bài thơ:
Bài thơ gồm 15 khổ:
- Hai khổ đầu nhà thơ dùng lối đối thoại (đối thoại với một người nào đó, một người mà nhà thơ gọi là anh. Người này cứ ở lì HN chẳng chịu đi đâu). Nhưng nếu để ý 1 chút ta sẽ thấy ngay đối thoại chỉ là hình thức bên ngoài còn thực chất là độc thoại. CLV đang say sưa nói với chính con người cũ của ông để được lên đường thanh thản.
- Chín khổ thơ tiếp theo CLV nói rõ những nhận thức sâu kín của ông về mảnh đất Tây Bắc nơi ông sẽ đến, về giá trị tinh thần của cuộc kháng chiến đã qua. Tiếp đó CLV ôn lại những kỉ niệm về những người Tây Bắc tình nghĩa - những người đã từng cưu mang đùm bọc ông. Cuối cùng, nhận thức ấy, tình cảm ấy, kỉ niệm ấy đã giúp CLV chuyển hóa thành triết lí.
- 4 khổ thơ cuối có thể được coi là khúc hát lên đường.
3. Tìm hiểu bài thơ:
Bài thơ THCT khi đầu có tên là Con tàu Tây Bắc được in trong tập “Ánh sáng và phù sa”. Tên của tập thơ có ý nghĩa: ánh sáng của lý tưởng của Đảng soi rọi và và phù sa của cuộc đời bồi đắp.
a) Phân tích khổ thơ đề từ.
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ Quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu.
Khác với tất cả các bài thơ khác chỉ có 1 lời đề tặng, hoặc 1 lời đề từ. (Đề tặng thì chẳng có gì đáng nói, còn những lời đề từ thường là sự tóm tắt ý tưởng nhà thơ muốn gửi gắm vào bài thơ) Ở bài THCT, CLV không phải chỉ viết 1 lời đề từ mà ông viết hẳn 1 khổ thơ đề từ. Khổ thơ này không được CLV viết theo logic của cảm xúc mà được ông viết theo logic của lập luận theo kiểu giả định, khẳng định:
+ Câu thơ mở đầu chính là một câu giả định. Tây Bắc ư? Có riêng gì TB. Nếu câu thơ dừng lại ở Tây Bắc ư? thì đó có thể là một đang được xác định. Nhưng khi thêm vế sau “Có riêng gì TB” thì rõ ràng địa danh TB đã trở thành một địa danh giả định. Cho nên điều mà CLV muốn muốn khẳng định chính là ở câu “Khi lòng ta đã hoá những con tàu”.
Trong câu thơ này chúng ta thấy có sự gặp gỡ giữa ý muốn chủ quan của “ta” – cái tôi nhà thơ với đòi hỏi khách quan của đất nước. Ta thì khao khát cống hiến tài năng và sức lực của mình (điều kiện chủ quan) còn Tổ Quốc thì đang lên tiếng gọi mọi người lên đường (điều kiện khách quan). Chính lô gíc này đã tạo nên con tàu trong tâm tưởng trong lòng ta.
Hai câu cuối là lôgíc tình cảm. Thứ lô gic được tạo nên bởi một quan niệm hết sức mới mẻ về quê hương. Quê hương theo ông không phải chỉ là nơi sinh ra và lớn lên, mà quan trọng hơn đó còn là nơi cần ta đến, và chính ta cũng tự nguyện đến đó để cống hiến. Và với qua niệm như vậy thì bất kì một mảnh đất nào trên Tổ Quốc VN này sẽ trở nên quê hương thứ 2, nơi hóa tâm hồn chúng ta.
Chính vì lô gíc này cái kết luận "tâm hồn ta là TB chứ còn đâu" nghe như được rút ra từ một chân lý nào đó. Nó giản dị nhưng vô cùng bất ngờ. Thậm chí bất ngờ ngay cả với chính tác giả.
b) Phân tích 2 khổ thơ đầu.
Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.
(Trong thủ thuật sáng tác, nhiều khi để cho việc thể hiện tư tưởng tình cảm của mình được thoải mái tự nhiên, các tác giả thường chủ động tạo nên một cuộc đối thoại trong tưởng tượng mà về thực chất nó chỉ là một cuộc độc thoại trong tâm tưởng mà thôi. Nhà thơ HC cũng mở đầu bài thơ BKSĐ của mình theo cách ấy: “Em ơi buồn ..... sông Đuống)
Khổ thơ bắt đầu bằng hàng loạt các câu hỏi. Câu đầu tiên giống như sự dò xét thái độ: “Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?”
Với câu hỏi như thế người đọc có quyền nghĩ bài thơ bắt đầu bằng một cuộc đối thoại. (Người hỏi là ai? Theo suy đoán thì chắc chắn phải là người quan tâm tới tác giả hoặc quan tâm tới cuộc vận động khai hoang ở miền núi. ..Và cứ theo suy đoán như vậy thì gần suốt hai khổ thơ người bạn ấy liên tiếp đưa ra những câu hỏi khác nhau để dò xét, để trách móc, thậm chí phê phán).
Tuy nhiên nếu chúng ta hiểu được hoàn cảnh của CLV qua lời bộc bạch của ông lúc đó: “Bài con tàu TB được viết ra từ một tâm trạng riêng. Hồi ấy tôi yếu, không đi đâu được và tự đặt câu hỏi nếu mình không đi được thì sao?” chúng ta sẽ thấy đó chỉ là một cuộc độc thoại.
4 câu thơ đầu được viết rất tự nhiên nên chân thành và tha thiết. Ở đây tác giả đã làm một phép so sánh. Sự lên đường của mọi người và sự chưa lên đường của nhân vật “anh” – tác giả. Sự so sánh này vừa để trình bày vừa để cởi mở bộc bạch một thực tế – một thực tế làm ông nhức nhối tâm can: “Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội”. Trong thực tế nếu không có lý do chính đáng để ở lại thì sự không lên đường đồng nghĩa với sự chạy chốn, sự tránh né gian khổ để hưởng thụ. Cho nên nếu không phải chính nhà thơ nhìn ra thì câu thơ sẽ là lời phê phán, chỉ trích nặng nề. Đằng này có cảm giác như tác giả đang say sưa với chính mình. Câu thơ vì thế vừa là lời tự bạch, vừa là lời tự phê. Mà đã tự phê tức là đã thoát khỏi hoặc có cơ sở để thoát khỏi thực tế. Vậy là một câu thơ tự vấn đã thăng hoa thành quyết tâm, thành ước mơ của tác giả.
Khổ thơ thứ 2 tác giả trực tiếp bàn đến thơ và nguyên lý sáng tác thơ. Hình như trong thơ VN hiện đại, CLV là người mở đầu cho lối thơ này.
2 câu đầu nhà thơ làm một phép so sánh - giữa một bên là cuộc sống mênh mông rộng lớn với một bên là cái tôi nhỏ bé, hạn hẹp. Từ so sánh này chúng ta nhìn thấy mâu thuẫn giữa thực tế cuộc sống với hạn chế của bản thân người cầm bút. (Cuộc sống thì mênh mông rộng lớn, vừa ngồn ngộn sức sống vừa đầy ắp các sự kiện, trong khi đó thì nhân vật “anh” – cái tôi tác giả lại quanh quẩn với cái tôi nhỏ bé, hạn hẹp). Có cảm giác như tác giả đang say sưa với chính con người cũ của mình - cái con người đã từng tự giam mình trong cái tôi nhỏ hẹp - Cái con người quá nặng nề bởi ảnh hưởng cũ mà tới hàng chục năm mới tự mình thoát ra được.
2 câu tiếp theo tác giả tiếp tục chỉ ra thực trạng sáng tác: “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép – Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”.
Nói gọn lại là “Không có thơ”. Vậy là ý thơ đã giúp tác giả khẳng định rằng: Hiện thực đời sống mới là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác, là đối tượng, là chất liệu, từ đó làm nên sáng tác văn nghệ. Có đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đó làm điểm tựa, điểm xuất phát, mới mong làm ra được cái gì có giá trị.
Và điều này không chỉ được CLV khẳng định một lần. Sau này trong bài “Ngoảnh lại mười lăm năm” chính CLV đã khái quát lại nguyên lý ấy bằng một khổ thơ như là tuyên ngôn nghệ thuật của mình:
Hiểu mình và hiểu người
Hiểu đời và hiểu Đảng
Tôi góp phần ánh sáng
Tôi làm chủ đời tôi.
Mượn hình thức đối thoại như vậy CLV muốn đoạn tuyệt với con người cũ bên trong ông để bằng cách đó có thể nói rõ cái khát vọng được lên đường, để thoát ra khỏi cái tôi cá nhân.
c) Phân tích 9 khổ thơ tiếp theo
Như đã nói ở trên CLV vốn là 1 thi sĩ thiên về trí tuệ bởi thế tư duy thơ ông rất chặt chẽ .
- Để lên đường thì điều đầu tiên phải nhớ là nhận thức, CLV đã có những nhận thức rất sâu sắc về mảnh đất TB nơi ông sẽ đến.
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân
Đối với ông thì đây là "sứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng". Mảnh đất ấy bây giờ đang hồi sinh. Đang có những trái chín đầu tiên, đang rất cần sự có mặt của mọi người.
CLV còn nhận thức rất sâu sắc về giá trị tinh thần của cuộc kháng chiến đã qua. Ông đã từng chìm ngập trong những bế tắc cho nên cuộc kháng chiến đã qua ấy giống như một ngọn đuốc mà ánh sáng của nó đủ sức soi rọi cho cả quá khứ hiện tại lẫn tương lai. Và nhờ ánh sáng của ngọn đuốc ấy, CLV sẽ thấy những con đường ông sẽ phải đi tiếp, đây chính là con đường trở lại với nhân dân.
Ơi kháng chiến! Mười năm như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.
- Sau nhận thức là tình cảm, CLV tỏ ra xúc động thật sự khi ông đã quay trở về với nhân dân Tây Bắc và để diễn tả những xúc động này, CLV đã đưa ra một loạt phép so sánh :
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
Có điều đặc biệt là tất cả các phép so sánh này đều thuộc các hiện tượng tự nhiên mà qui luật của tự nhiên bao giờ cũng là những qui luật muôn đời, qui luật bất biến. Điều đó cho thấy CLV coi việc mình quay lại với nhân dân cũng như là một lẽ tự nhiên vậy ....
Ở 3 khổ tiếp theo ( 6, 7, 8 ) CLV ôn lại những kỉ niệm về những người Tây Bắc nghĩa tình, những người đã từng cưu mang đùm bọc ông trong những năm kháng chiến gian khổ. Đấy là những anh du kích, những em liên lạc, những bà mế lửa hồng soi tóc bạc:
Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh gửi lại cho con
Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thư em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! chưa mất một phong thư.
Con nhớ Mế! lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
Sự thật là khi viết bài thơ này CLV chưa một lần đặt chân lên Tây Bắc. Vin vào đó rất nhiều người đã hoài nghi tính chân thực của bài thơ này. Tuy nhiên những người hoài nghi đã quên một điều rất cơ bản: cái thật của thơ đâu phải là cái thật cụ thể đơn giản mà cái thật của thơ trước hết phải là cái thật trong cảm xúc của người sáng tác. Đúng là CLV chưa hề gặp những anh hùng du kích, những em liên lạc, những bà mế ở TB. Nhưng họ đã đi qua đời ông ở những mảnh đất khác và để lại trong ông nỗi nhớ khôn nguôi. Tình cảm của ông đối với những người này là hoàn toàn có thật, cần gì cứ phải ở TB mới là thật.
- Những nhận thức, những tình cảm và cả những kỉ niệm đã giúp CLV chuyển hóa thành chiết lí. Tuy nhiên trước khi chuyển hóa thành tư tưởng triết lý, hiện thực như chợt nhòe đi:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn!
Nếu thật công bằng thì chúng ta phải nói cái nội dung triết lý mà CLV nói ra ở đây không có gì là mới. Nó thuộc vào những quy luật rất thông thường của đời sống tâm lý con người. Khi ta sống ở một nơi nào đó thì cái nhịp điệu đều của cuộc sống hàng nagỳ khiến ta cảm thấy những cảnh, những người mà ta vẫn gặp vẫn thấy chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì đáng nhớ. Vẫn con đường ngày nào ta vẫn đi học qua. Vẫn những gương mặt vừa quen vừa lạ ta vẫn gặp, vẫn hàng cây ấy. Thế nhưng chỉ vì một láy do nào đó, ta phải xa cái nơi mà ta sống thì đến lúc ấy, ta mới chợt nhớ lại những cảnh những người kia thân thuộc với ta biết nhường nào. Lúc ấy ta mới biết chúng mới hoá tâm hồn trong chúng ta. Điều này làm ta chợt nhớ đến bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh cho đến khi phải xa miền Nam sống trên đất Bắc, Tế Hanh mới “nhớ cả những người không quen biết). Như thế có thể nói điều mà CLV nói ở đây đâu có mới mẻ gì.Nhưng cái cách nói của CLV , 1cách nói có phần hơi cầu kì lại tạo ra cho ta cái cảm giác điều ông nói ra là 1 phát hiện mới mẻ. Đây là 1 cách nói rất CLV:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn
“Đất đã hoá tâm hồn” cái cách nói ấy cũng có phần giống với “khi lòng ta đã hoá những con tàu” .
Cái cụ thể đã biến thành cái trừu tượng và nhờ thế ý nghĩa của nó mang tính phổ quát hơn.
Bước sang khổ thơ thứ 10, mạch có vẻ như bị gián đoạn. Bước chuyển từ khổ 9 sang khổ 10 có vể đột ngột. Đang giọng triết lí bỗng nhiên lại chuyển sang câu chuyện anh nói với em:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Nhưng thật ra đây lại không phải tình yêu đôi lứa mà vẫn chỉ làlời của CLV nói với TB. Điều làm cho ta hơi ngỡ ngàngchính là ở chỗ CLV gọi TB là em. Thế nhưng trong văn học nghệ thuật hình tượng các tác giả gọi những gì mà mình yêu quí là em đâu phải là chuyện hiếm. Nhạc sĩ Trần Trung trong một bài hát viết về rừng Cúc Phương đã chẳng thắm thiết gọi Cúc Phương là em đó sao. Còn nhà thơ Tố Hữu trong bài Ca Xuân 1961 cũng gọi mùa xuân 1961 là em.
“Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội.”
Cho nên việc CLV gọi TB là em đâu có gì là lạ. Bằng cách gọi ấy CLV muốn bộc lộ tình cảm của mình với TB, ở đây lại một lần nữa chúng ta thấy CLV sử dụng 1 loạt phép so sánh. Vì tất cả những phép so sánh ấy cũng đều thuộc về các hiện tượng tự nhiên. Sự gắn bó của ông đối với TB chẳng khác nào cái rét đối với mưa đông, chẳng khác nào vẻ đẹp long lanh của những cánh kiến hoa vàng
Như vậy việc CLV nói về tình yêu cũng chỉ là một cách để ông dẫn đến triết lý; tình yêu làm đất lạ hoá quê hương. Đến đây ta thấy cái điều mà CLV đã nói ở khổ thơ đề từ đã được khẳng định. Hoá ra quê hương không chỉ là nơi ta đã sinh ra và lớn lên mà quê hương còn là bất kì một mảnh đất nào mà ta đã dành tình yêu cho nó.
Với khổ thơ 10 này còn có nhiều cách hiểu khác, trong đó một cách hiểu khá phổ biến cho rằng CLV viết khổ thơ này để diễn tả tình yêu lứa đôi. Chẳng hạn tác giả Hà Minh Đức viết: “Nhưng khi nói về tình yêu và nỗi nhớ, câu thơ CLV lấp lánh trong sắc màu rực rỡ và xôn xao trong một tâm trạng rung động vừa mơ hồ vừa thấm thía lan tỏa... Đó cũng là bản chất của tình yêu, như là sự khăng khít giữa… Nhưng nghĩ rộng ra thì tình yêu ở đây không chỉ giới hạn trong tình yêu của anh và em. Hay nói đúng hơn tình yêu ở đây cũng là một biểu hiện kết tinh của những tình cảm quê hương đất nước, làm sâu nặng thêm những tình cảm ấy.”
Thực ra xét về lôgic của toàn bài thì người đọc cũng có quyền nghĩ theo hướng này. Bởi vì khổ thơ sau đó tác giả đúng là nói đến chuyện anh – em thật. Những chuyện như “anh nắm tay em” và “vắt xôi em giấu” một Tây Bắc chung chung không thể làm được. Tất nhiên sự trở lại ý nghĩa khái quát hương vị của miền quê Tây Bắc lại cho người đọc cái quyền được nghĩ rằng hình như tác giả vẫn chỉ muốn nhấn mạnh tình cảm về miền quê Tây Bắc. Trong cái chung có cả cái riêng. Hay chính xác là nếu cái riêng chưa có được, chưa sâu sắc thì cái chung cũng không có cơ sở để tồn tại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài Em ơi Hà Nội phố đã có một câu kết mà ai cũng cho là vô cùng sâu sắc: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”.
4/ Phân tích 4 khổ thơ cuối
Bốn khổ thơ cuối của bài Tiếng hát con tàu có thể coi là khúc hát lên đường. Sở dĩ chúng ta nói như thế là bởi vì có sự xum họp trở lại của hình tượng con tàu, chỉ khác là ở 2 khổ đầu là hình tượng một con tàu cụ thể, con tàu lên TB “Con tàu này lên TB anh đi chăng”, còn hình tượng con tàu ở bốn khổ cuối này lại là con tàu mang tính tượng trưng. Nó biểu hiện cho vẻ đẹp của những cuộc lên đường. Vì thế hình tượng con tàu ở 4 khổ cuối này đẹp đến hư ảo. Đấy là con tàu mà mỗi đêm khuya đều uống 1 vầng trăng, 1con tàu luôn lao về phía trước, nó giúp cho những người lên đường tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình và đồng thời cũng tìm thấy niềm hạnh phúc riêng tư.
Về bài thơ này chính nhà thơ CLV đã tâm sự: “Bài Con tàu Tây Bắc được viết ra từ một tâm trạng. Hồi ấy tôi yếu, không đi đâu được và tôi lại đặt một câu hỏi: Nếu mình không đi được thì sao? Và tôi đã viết khổ thơ đầu tiên để tự an ủi, để tự yên lòng. Khổ 2 nói cho mình, cho cảnh ngộ mình.”
Về những kỷ niệm mà nhiều người cho là không thực vì CLV lúc viết bài thơ này không lên Tây Bắc CLV nêu quan niệm rất rõ ràng: “Lúc làm bài thơ Con tàu Tây Bắc tôi chưa lên Tây Bắc, nhưng khi viết bài đó ra anh em nói thích vì cảm hứng thơ chân thực. Sau đó một thời gian tôi có dịp đi Tây Bắc, nhưng khi đi về lại không viết được gì. Tôi tuy chưa đi Tây Bắc nhưng tôi có vốn hiểu biết về rừng núi Trường Sơn. Vả lại trong bài Con tàu TB tôi cũng không thể nói được về Tây Bắc đang xây dựng cuộc sống mới mà chủ yếu nói về chủ đề kháng chiến. Trong thơ ca cũng có hiện tượng lạ. Nguyên Chẩn đi viết hay, Bạch Cư Dị không đi viết lại hay hơn. Bài thơ Con Tàu của Rimbaud được viết khi tác giả chưa đi biển…”