Nghệ thuật trang trí nội thất của Pháp
từ thời vua Louis XIV đến Louis XVI (Phần cuối)
Từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18 (từ thời Louis XIV đến thời Louis XVI) là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật trang trí Pháp. Nghệ thuật hội họa và điêu khắc phồn vinh, kỹ thuật chạm khắc bằng vàng và bạc tinh xảo, đồ sứ Pháp sang trọng và lộng lẫy, những ý tưởng độc đáo mang đến sự tưởng tượng khéo léo cùng một lối sống mới, thể hiện rất rõ tài năng của các nghệ nhân từ mọi tầng lớp.
Hộp nữ trang của vương hậu Anna
Nổi bật nhất trong số này là một chiếc rương vàng làm thủ công, đặc biệt, được sử dụng trong hoàng gia Pháp để bảo quản trang sức của nhà vua và hoàng hậu. Kiệt tác này được gọi là “Hộp trang sức của vương hậu Anna”, được chế tác bởi thợ kim hoàn Jacob Blanck vào năm 1676. Chiếc hộp này cao 25,2 cm, dài 47,5 cm và rộng 36,2 cm. Toàn bộ chiếc hộp được phủ bằng vàng và hình vẽ hoa hồng, hoa tulip, hoa cẩm chướng, hoa ly và hoa cúc.
Hộp bằng vàng do thợ kim hoàn Jacob Blanck làm cho hoàng gia Pháp năm 1676, KT: 25,2 x 47,5 x 36,2 cm. (Ảnh: RMN-GP musée du Louvre/Stéphane Maréchalle)
Những họa tiết hoa bằng vàng tinh xảo này, thông qua việc mài và đánh bóng, tăng cường độ sáng cùng độ mềm mại, thân và lá của hoa được cuộn tròn thành những hoa văn tinh mỹ tuyệt đẹp, không gì có thể sánh bằng. Người ta cho rằng chủ sở hữu của chiếc hộp là vương hậu của Louis XIII “Anne d’Autrich” (1601-1666), mẹ của vua Louis XIV); bà là một người rất yêu thích đồ trang sức bằng vàng.
Hoa tơ khảm nạm là một kỹ thuật sử dụng phương pháp hàn điểm hoặc những vòng nhỏ như tơ để cố định dây kim loại trơn hoặc cuộn nhằm tạo hình trên khung kim loại; những hình dạng xoắn ốc hay dây leo được tạo bằng các sợi kim loại nhỏ như tơ này.
Xuyên qua các trang trí lá vàng bên ngoài hộp, lớp lụa màu xanh đậm bao phủ bên trong vẫn có thể nhìn thấy. Kỹ thuật trình bày các hiệu ứng khảm nạm độc đáo cùng kỹ thuật rèn tinh tế đã được ưa chuộng trong thế kỷ 17.
Hộp đựng thuốc bằng vàng
Hộp đựng thuốc có hình ảnh vua Louis XV.
(Ảnh: RMN-GP musée du Louvre/Jean-Gilles Berizzi)
Hộp đựng thuốc này được làm từ khoảng năm 1726 đến năm 1727, cao 2,8 cm, dài 8,2 cm và rộng 6,2 cm, được làm bằng vàng, trang trí bằng ngọc lục bảo và kim cương bởi người thợ kim hoàn Paris – Daniel Govers trong nửa đầu thế kỷ thứ 18. Bên trong nắp hộp là bức chân dung thu nhỏ của vua Louis XV được vẽ bởi Jean-Baptiste du Canel.
Chiếc hộp này được coi như một món quà ngoại giao cho vua Louis từ vị quan chức địa phương của Geneva – Louis Le Fort (1668-1743). Tại trung tâm của nắp hộp là hình vẽ Apollo tượng trưng cho mặt trời và ánh sáng, được phản chiếu bởi 56 viên kim cương và 26 viên ngọc lục bảo xen kẽ. Vỏ hộp được bao quanh bởi trang trí hình dây leo, hoa và ruy băng, mặt trước được gắn một viên kim cương lớn. Bên dưới tấm pha lê ở mặt trong nắp hộp là chân dung bán thân của vua Louis XV trẻ trung, mặc áo giáp và áo choàng da lộn có họa tiết hoa huệ.
Hộp đựng thuốc này, với các vật liệu sang trọng, đường cong rực rỡ và hoa văn mặt trời làm nổi bật các đặc điểm của hoàng gia, báo hiệu phong cách Rococo sắp phổ biến. Kỹ thuật chạm khắc vàng và bạc tinh xảo và kỹ thuật gắn đá quý khéo léo của nó cũng vô cùng ấn tượng.
Bộ đồ ăn của Nữ hoàng Leczinska
Bộ đồ ăn này ban đầu được đặt trong tủ quầy đựng chén đĩa trong cung của nữ hoàng, được vua Louis XV tặng cho Nữ hoàng Marie Leczinska (1703-1768) để tưởng nhớ Hoàng tử Louis-Ferdinand (1729-1765) (chết trước khi được lên ngôi). Đây cũng là bộ đồ ăn theo phong cách Rococo duy nhất của hoàng gia Pháp thế kỷ 18.
Trà, cà phê, sô cô la v.v.. được coi là đồ uống rất thời thượng trong hoàng cung, vì vậy bộ dụng cụ ăn uống này có mạ vàng trên những ấm trà, bình cà phê, bình đựng sô cô la, hộp đựng gia vị (vào thời điểm đó hương liệu thường được thêm vào sô cô la nóng), máy xay cà phê, chân nến, dụng cụ lọc trà, phễu, kẹp đường, thìa dài và chuông. Bộ đồ ăn này được sản xuất bởi Henri-Nicolas Cousinet (người sau này trở thành nhà điêu khắc của Hoàng tử Condé).
Bình sô cô la của Nữ hoàng Leczinska, được sản xuất vào năm 1730
bởi Henri-Nicolas Cousinet. (Ảnh: RMN-GP musée duLouvre/Jean-Gilles Berizzi)
Trong số đó, bình đựng sô cô la được sản xuất vào năm 1730 là đặc biệt nhất, có gắn kèm một hệ thống đun nhỏ dưới đáy bình. Món đồ thủ công này, với các hoa văn trang trí đẹp mắt theo hình hoa, vỏ sò, lau sậy, hình sóng, lá cọ v.v.., phản ánh hoàn hảo các đặc điểm hay thay đổi của phong cách Rococo. Vòi và ba chân bình có hình cá heo, đại diện cho hoàng tử (dauphin, đồng âm với từ cá heo).
Phần còn lại của bộ đồ ăn này là đồ sứ: một ấm trà, hai đĩa đựng trà, hai chén có giá đỡ mạ bạc và một chén đựng đường. Một số trong đó đến từ Trung Quốc và Nhật Bản, một số được sản xuất bởi nhà máy sứ Meissen. Các hoa văn trên sứ mang đậm dấu ấn của văn hóa Trung Quốc, phản ánh sự yêu chuộng các đặc trưng phương Đông ở châu Âu vào đầu thế kỷ thứ 18.
Cặp bình hoa màu hồng
Cặp bình hoa màu hồng của quý bà Pompadour.
(Ảnh: Musée du Louvre, dist. RMN-GP/Thierry Ollivier)
Quý bà Pompadour (1721-1764) là một phụ nữ hiếm hoi đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực chính trị, nghệ thuật và văn hóa của Pháp trong thế kỷ 18. Một trong những đóng góp lớn nhất của người phụ nữ này là cống hiến cho việc bảo trợ nhà máy sứ hoàng gia (Sevres). Cặp bình hoa màu hồng này được làm vào năm 1758, cao 31,2 cm, được trang trí với họa tiết thiên thần kiểu Boucher ở trung tâm; ngoài ra bên dưới bình có một đế vuông bằng gỗ mun được trang trí bằng đồng mạ vàng. Tay cầm của chiếc bình có hình dạng như đôi tai ngược, được chế tạo bởi Jean-Claude Dupres.
Chiếc bình được làm bằng sứ mềm – một đặc trưng kỹ nghệ nổi tiếng của nhà máy sứ Sevres. Nó có kết cấu vân da giống như phô mai kết hợp khéo léo với sắc tố để tạo thành một phong cách đặc biệt không thể thay thế. Ngoài ra, chiếc bình có nền màu hồng tuyệt đẹp. Màu hồng này của Sevres được lấy cảm hứng từ màu hồng phấn thời nhà Thanh, nhưng lộng lẫy và sang trọng hơn, rất phù hợp với phong cách Rococo phổ biến thời bấy giờ. Tại triển lãm năm 1758, những chiếc bình như thế này được ca ngợi là sản phẩm mới nhất và tuyệt vời nhất.
Chai nước hoa hình con thuyền
Chai nước hoa hình con thuyền màu hồng của quý bà Pompadour
(Ảnh: Musée du Louvre, dist. RMN-GP/Thierry Ollivier)
Sự theo đuổi táo bạo của quý bà Pompadour về lối sống đã thuyết minh cho kỷ nguyên xa xỉ đó. Chai nước hoa hình con thuyền màu hồng này được đặt hàng bởi Pompadour từ dinh thự Hôtel d’Evreux, hiện nay là dinh Tổng thống Pháp.
Chai nước hoa bằng sứ mềm được sản xuất vào khoảng năm 1760 đến năm 1761, cao 39 cm và dài 36 cm. Được làm theo mô hình của Jean-Claude Duplessis (1747-1819): đáy chai được làm dưới dạng một chiếc bình, ở giữa là một chiếc thuyền màu hồng với một bức tranh trang trí của Charles Nicholas Dodin (1734-1804).
Duplessis là giám đốc nghệ thuật của Nhà máy sứ Sevres từ năm 1748, chịu trách nhiệm thiết kế khuôn. Ông đã đưa công nghệ của các nghề thủ công truyền thống đối với đồ kim loại, như đồ đồng và đồ bạc mang phong cách nghệ thuật Rococo, vào để thiết kế và sản xuất đồ sứ, là nhân vật quan trọng cho sự thành công của nhà máy sứ. Chai nước hoa màu hồng này là sản phẩm có hình dáng độc đáo nhất của Sèvres.
Cối xay cà phê bằng vàng
Cối xay cà phê bằng vàng của quý bà Pompadour
(© RMN-GP (Ảnh: musée du Louvre) / Daniel Arnaudet)
Cà phê có nguồn gốc từ khu vực Ả Rập được đưa đến Paris vào năm 1670, dần trở thành xu hướng thời thượng trong cung đình và giới thượng lưu. Đến thế kỷ 18, việc tiêu thụ cà phê đã trở nên phổ biến đến mức Diderot và D’Alembert đã viết hẳn một chương về cách pha chế cà phê trong cuốn sách tuyệt vời của ông. Chiếc cối xay cà phê này được sản xuất vào năm 1756 đến năm 1757 phù hợp với mô tả về cối xay cà phê cầm tay nhỏ trong cuốn sách nói trên.
Cối xay hình trụ có chiều cao 9,5 cm và đường kính 5,2 cm; Phần trung tâm hơi có hình nón. Cối bao gồm ba phần: phần trên là một tay quay và phần dưới có thể được tháo ra để loại bỏ bã cà phê. Tác phẩm nghệ thuật nổi bật này được trang trí sang trọng với các bề mặt được chạm nổi trang nhã trong ba loại màu vàng khác nhau: lần lượt mô tả cành nhánh cây cà phê và lá bằng vàng màu xanh, quả mọng bằng vàng màu hồng, trên nền vàng kim. Chiếc cối xay này được sản xuất bởi Jean Ducrollay (khoảng năm 1708-1776), thợ kim hoàn nổi tiếng nhất Paris thế kỷ 18, dành riêng cho quý bà Pompadour, người say mê các đồ vật bằng vàng và bạc.
Tấm thảm của Boucher
Tấm thảm của nữ công tước xứ Bourbon (1750-1822)
(Ảnh: RMN-GP musée du Louvre/Daniel Arnaudet)
Tấm thảm treo tường này dài 4,4 mét và rộng 3 mét, được sản xuất vào khoảng năm 1775. Đó là một tấm thảm mùa đông treo ở nhà Công tước xứ Bourbon (1750-1822), là một trong bốn tấm thảm mềm mượt để trong phòng ngủ. Nhóm tấm thảm này được gọi là tình yêu của các vị thần, thể hiện những cảnh tượng trong thần thoại La Mã. Ba câu chuyện khác được tả trong những tấm thảm này là: Vertumnus (vị thần của bốn mùa) và Pomona (nữ thần của cây trái), Venus (nữ thần tình yêu và sắc đẹp) được sinh ra từ những con sóng, nữ thần Aurore và thợ săn Céphale.
Tấm thảm này được trang trí hoa văn tinh tế và thanh lịch trên nền màu hồng sẫm ưu nhã; tranh trên thảm là lấy từ bức tranh của Maurice Jacques, mô tả cảnh tượng trong câu chuyện về “Cuộc so tài giữa Cupid và Psyche”, do François Boucher (1703 – 1770) thiết kế; ông là giám đốc nghệ thuật của nhà máy dệt hoàng gia Gobelin từ năm 1755. Tấm thảm là sự kết hợp giữa tranh của Jacques và Boucher, được coi là tác phẩm quý giá và thành công nhất của Nhà máy dệt Gobelin. Tấm thảm này vẫn giữ được màu sắc rực rỡ ban đầu và rất ngoạn mục; đây là một ví dụ hoàn hảo về kỹ nghệ dệt thảm của thế kỷ 18.
Đôi lạc đà bằng đồng
Đôi lạc đà bằng đồng mạ vàng của Nữ hoàng Mary Antoinette
được sản xuất vào năm 1777.
(Ảnh: 2013 Musée du Louvre, dist. RMN-GP/Thierry Ollivier)
Nữ hoàng Marie-Antoinette có một đôi lạc đà bằng đồng xanh mạ vàng trong phòng theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, cao 32,5 cm, dài 25,5 cm và rộng 11 cm. Đóng vai trò như một đồ trang trí cho lò sưởi, cặp lạc đà này là sự gợi nhớ tuyệt vời về phong cách Thổ Nhĩ Kỳ phổ biến trong triều đình vua Louis XVI. Nữ hoàng cũng sở hữu những đồ vật quý khác như chiếc lư hương làm bằng mã não, được làm vào năm 1784.
Lư hương bằng mã não của Mary Antoinette, được sản xuất vào năm 1784.
(Ảnh: RMN-GP musée du Louvre/Martine Beck-Coppola)
Chỉ qua một số vật phẩm đặc biệt mà thấy nghệ thuật trang trí nội thất của nước Pháp từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18 thật đáng để các thế hệ đi sau học tập và ngưỡng mộ.
Đĩa trang trí đặt trên bàn trà
(Ảnh: RMN-GP musée du Louvre/Daniel Arnaudet)
- Theo epochtimes.com (Uyển Vân biên dịch) -
>>> Nghệ thuật trang trí nội thất của Pháp từ thời vua Louis XIV đến Louis XVI (Phần 1)
>>> Nghệ thuật trang trí nội thất của Pháp từ thời vua Louis XIV đến Louis XVI (Phần 2)